Skip to main content

Chào mừng bạn đến với

QuangTuyen.Net

QUANGTUYEN.NET

5 lỗi cơ bản của bố mẹ khi giao tiếp với trẻ

01/01/24

1. TẬP TRUNG VÀO CHỈ TRÍCH THAY VÌ GIÁO DỤC TRẺ.

Có những bậc phụ huynh sẽ kể chuyện “người bạn Châu Phi” hay “bác nông dân” mỗi khi con kén ăn. Nhưng các bạn nên hạn chế làm như vậy nhé. Dù bạn kể chuyện với mục đích tốt thì việc áp dụng các tiêu chuẩn về luân lí, đạo đức ở đây cũng có thể khiến trẻ cảm thấy có lỗi. Trong mọi vấn đề, bạn nên ưu tiên việc nói với trẻ thật ngắn gọn và dạy cho trẻ biết cái gì hợp lí, cái gì thỏa đáng mà không làm trẻ cảm thấy oan ức.

Hãy thử nói với trẻ: “Bố hiểu con cảm thấy món này khó ăn. Nhưng sẽ đến lúc con phải ăn nhiều món hơn mới được. Vì những món này cũng rất cần thiết cho cơ thể chúng ta đấy.”

🌿 2. CỐ GẮNG GIẢI QUYẾT CẢ CẢM XÚC CỦA TRẺ.

Cảm xúc là thứ tự do và suy nghĩ của mỗi người cũng vậy. Tại sao chúng ta có xu hướng muốn giải quyết cả cảm xúc của những người thân yêu? Đó là bởi khi nghe người khác nói về những gì họ cảm thấy khó chịu, trong lòng chúng ta cũng trở nên khó chịu theo. Càng nghe họ nói ta càng thấy khó chịu và khi không thể chịu đựng được nữa ta sẽ buộc họ phải dừng lại. Điều này cũng giống như việc bạn buộc con phải nín khi con giải tỏa cảm xúc bằng hành động như ăn vạ, khóc lóc.

Nhưng nếu vậy thì những gì ta làm cũng chỉ vì bản thân. Hãy cứ để mặc cảm xúc của đứa trẻ đang buồn. Ta không thể giải quyết những thứ thuộc về cảm xúc của con và cũng không được phép làm thế, vì chỉ con mới có thể tự xử lí được vấn đề cảm xúc của mình. Hãy để việc dạy dỗ sau khi con được giải tỏa cảm xúc.

🌿 3. XEM NHẸ MONG MUỐN CỦA TRẺ.

Có nhiều lúc, trẻ nhỏ làm gián đoạn cuộc nói chuyện điện thoại của bố mẹ vì muốn đòi một thứ gì đó. Những lúc như vậy các bạn hãy giải thích cho con hiểu: “Bố biết rồi, nhưng bố muốn nghe thật kĩ xem con định nói gì. Bây giờ bố đang nói chuyện điện thoại nên con có thể chờ bố một chút được không?” Sau khi cuộc điện thoại đã kết thúc, hãy nói với con rằng: “Cảm ơn con đã ngoan ngoãn ngồi chờ bố nói chuyện xong.”

Thay vì nghĩ rằng các con có thể tự hiểu, hãy giải thích thật cụ thể để các con thông cảm và đưa ra lời đề nghị của bạn. Vì còn nhỏ nên chúng chỉ có thể nhìn thế giới theo quan điểm của riêng mình. Con chỉ đang muốn dành thời gian với bạn, chứ không cố ý làm phiền bố mẹ đâu!

🌿 4. BẮT TRẺ XIN LỖI KỂ CẢ KHI KHÔNG CẦN THIẾT

Con làm rơi thức ăn trên bàn cơm vội vàng nói: “Con xin lỗi bố.” Bố đáp lại: “Chỉ vì con không cẩn thận nên ngày nào cũng làm rơi vãi thức ăn. Lần sau nhớ cẩn thận hơn đấy.”

Khi ai đó nói xin lỗi nghĩa là họ đã làm sai điều gì đó. Nhưng tình huống trên không phải hoàn cảnh cần xin lỗi, cũng không phải vấn đề cần được bố mẹ tha thứ. Vì các con ở thời điểm này chỉ là những đứa trẻ, không biết có thể hướng dẫn, mắc lỗi có thể sửa, làm sai có thể làm lại, thậm chí có hành vi xấu cũng có thể răn dạy.

Như vậy, khi con nói: “Con sai rồi. Lần sau con sẽ không thế nữa. Hãy tha lỗi cho con”, chúng ta nên trả lời thế nào? “Đây không phải chuyện mà con cần xin lỗi. Mình chỉ cần học là được. Lần này con đã học thêm được một điều hay rồi đấy.”

🌿 5. KHÔNG THƯỜNG XUYÊN BÀY TỎ TÌNH CẢM BẰNG LỜI NÓI.

Con trẻ cũng là một món bảo vật, à không, chúng còn quý giá hơn những món đồ đó rất nhiều. Đó là điều hết sức hiển nhiên. Thế nhưng, dù suy nghĩ như vậy nhưng chúng ta vẫn không tránh được những lúc quát mắng hay trừng mắt với con. Hãy nghe tôi, các bạn đừng che giấu tình yêu thương của mình với các con.

Hãy thổ lộ với chúng. Hãy nhìn con bằng ánh mắt trìu mến mỗi khi bé he hé đôi mắt thức dậy và nói những điều yêu thương. Những lời nói mang tính khẳng định này sẽ đem lại ý nghĩa lớn lao với trẻ. Có thể lần đầu khi được nghe những lời này, các con sẽ không cảm thấy gì hoặc cảm thấy lạ lẫm. Nhưng càng nghe nhiều các con sẽ càng cảm nhận được rõ bản thân mình là người quan trọng đến nhường nào.

Thực tế, các bạn cũng có thể không cần thay đổi lời nói của mình ngay sau khi đọc bài viết này. Chỉ cần các bạn nhận ra: “À, thì ra những lời mình vẫn nói với con từ trước đến giờ có ý nghĩa như vậy”, “Hóa ra mình nên nói với con như thế” cũng đã đủ rồi. Khi bạn có suy nghĩ như thế, bạn sẽ tự mình tìm ra những lời hay hơn để nói với con trẻ. Như vậy, mối quan hệ của bạn với các con cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.